Mực trứng là gì?
Mực trứng hay còn gọi với cái tên mực sữa là một loại mực nhỏ, bên ngoài có màu đỏ cánh gián và sinh sống nhiều ở vùng biển Đông Nam Bộ.
Người ta gọi là mực trứng bởi loại mực này thường được đánh bắt vào thời điểm chúng đang sinh sản nên phần bụng to và chứa rất nhiều trứng. Ước tính mỗi lần đánh bắt, số lượng mực có trứng lên đến khoảng 40 - 60% tổng sản lượng.
Vì chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể con người nên mực trứng hiện nay rất được ưa chuộng và đưa vào làm nguyên liệu chế biến của nhiều món ăn thơm ngon, hấp dẫn.
Đặc điểm của mực trứng
Mực trứng có kích thước trung bình khoảng từ 5 - 12cm, được bao bọc bởi một lớp da mỏng màu nâu đỏ cánh gián. Mực trứng tươi sẽ có mắt sáng không đục, phần thân và râu dính chặt vào nhau, phần bụng căng cứng chứa đầy trứng. Đặc biệt khi xào chín lên, mực tươi sẽ không bị nở và ra nước.
Loại mực này có tập tính sống theo đàn ở những nơi vùng nước mặn, tận sâu đáy đại dương. Chúng rất thích ánh sáng nên mỗi khi kiếm mồi, chúng thường trồi lên mặt nước và tập trung tại những vùng biển có ánh nắng. Hiểu được tập tính này của mực trứng, các ngư dân thường lợi dụng ánh sáng đèn điện để thu hút chúng rồi đánh bắt.
Tháng 4,5,6 là thời điểm mà mực trứng bắt đầu vào mùa sinh sản. Đây cũng chính là khoảng thời gian để các ngư dân có thể đánh bắt được loại mực ngon và nhiều trứng, chất lượng nhất. Vì thế bạn nên mua mực trứng vào những tháng này để không bỏ lỡ những con mực tươi ngon nhất nhé!
Bởi vì loại mực này thường sống ở những vùng biển nước mặn nhất, nên chúng đã có sẵn vị mặn tự nhiên. Thế nên khi sơ chế, bạn không cần phải rửa lại với muối, không cần loại bỏ ruột bên trong mà chỉ nên để nguyên, rửa sơ qua với nước sạch là được. Loại mực này có thể chế biến thành nhiều món ngon, bổ dưỡng như: mực trứng hấp hành gừng, mực trứng chiên bột hoặc chiên nước mắm, mực trứng nướng tiêu xanh hoặc nướng mọi,...
Cách làm sạch mực trứng
Đối với mực trứng tươi
Bước 1: Kéo đầu mực ra khỏi thân mực
Đầu tiên, mực trứng mua về bạn đem bỏ vào một cái thau nhỏ rồi rửa nhẹ nhàng dưới vòi nước lạnh. Tiếp đến, dùng tay cầm từng con mực, nắm phần râu kéo ra khỏi thân.
Lưu ý: Trong lúc kéo nếu túi mực bị vỡ, bạn nên rửa sạch ngay với nước lạnh để tránh cho mực ngấm vào trứng và thịt. Như vậy khi chế biến con mực sẽ có màu sắc không đẹp và bị đắng.
Bước 2: Sơ chế thân mực
Sau đó, bạn kéo tiếp phần xương sống màu trắng ở trong ra. Tiếp đến, xả nước vào trong ruột rồi dùng tay chà nhẹ nhàng để loại bỏ hết chất nhầy ở bên trong.
Lưu ý: Tuỳ theo sở thích và tuỳ theo từng món ăn mà bạn có thể cắt thân mực thành khoanh hoặc thành miếng.Thông thường, khi chế biến những loại mức trứng nhỏ ( kích thước 7 - 9cm), người ta thường để nguyên phần thân cho đẹp mắt.
Bước 3: Rửa râu mực và thân mực lại
Cuối cùng, bạn tách trứng mực ra khỏi râu mực, dùng dao cắt bỏ 2 mắt. Rồi rửa trứng mực, râu mực và thân mực lại với nước sạch là xong.
Lưu ý: Bạn nhớ rửa trứng mực thật nhẹ nhàng, nếu không chúng sẽ bị nát hết đấy nhé!
Đối với mực trứng đông lạnh
Đối với mực đông lạnh thì trước khi sơ chế, bạn nên rã đông tự nhiên trong khoảng rồi 1 - 2 tiếng rồi tiến hành bước làm sạch như đối với mực trứng tươi bên trên.
Nhưng nhớ là không được dùng lò vi sóng rã đông và chế biến ngay khi đã rã đông xong để tránh cho thịt mực bị bở, ăn không ngon nhé!